(Báo Quảng Ngãi)- Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên đỉnh Thiên Ấn ở phía đông TP.Quảng Ngãi. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch “Sắc Tứ Thiên Ấn tự”, là một trong các tổ đình quan trọng của dòng thiền Lâm Tế của Phật giáo Đàng Trong…
|
Huyền thoại Thiên Ấn
Theo truyền thuyết kể rằng, năm 1675, có vị thiền sư thế danh là Lê Duyệt, pháp danh Minh Hải, tự Phật Bảo, hiệu là Pháp Hóa hòa thượng, sinh năm Giáp Thân (1644) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Tổ sư này đến dựng thảo am nơi đây và tu thiền. Hòa Thượng này chỉ ăn lá cây và củ rừng. Lúc Ngài tu có rất nhiều thú rừng hầu. Hôm nọ bỗng nhiên có một đoàn tiều phu dừng chân cách sườn phía đông nam núi, thấy một hang nước trong vắt và dừng lại uống nước. Họ phát hiện một con đường mòn từ hang nước lên đỉnh núi. Theo đường mòn tìm kiếm, họ lần lên đỉnh tìm kiếm vị thiền sư và được biết hang nước đó là nơi hằng ngày thiền sư vẫn thường lấy nước.
Núi Ấn sông Trà. Ảnh: TL |
Tình yêu thương hiền từ của vị thiền sư làm lòng người khâm phục. Từ đó đoàn người kia truyền miệng và người ta tìm đến rất đông. Đó là sự mở đầu của sự sùng kính đạo pháp. Cũng từ lúc ấy, hang nước vì thế cũng vơi dần. Nước uống hiếm hoi, thiền sư mới phát nguyện đào một cái giếng. Khi đào được 10m thì có một vị sư trẻ mang áo tơi, đội mưa từ đâu tới xin tá túc và ở lại giúp sư tổ. Thầy trò tiếp tục đào được 24m thì gặp phải một tảng đá bàn lớn chắn ngang. Thầy trò hì hục đào trong 3 tháng mà không thấy nước. Đá bàn này là đá bàn khối đã ăn sâu vào lòng đất, sư tổ nghĩ “Dã tràng xe cát Biển Đông”.
Nhưng Hòa thượng Pháp Hóa suy nghĩ hồi lâu, một tia sáng lóe lên, Ngài vào thảo am ngồi thiền trong 7 ngày 7 đêm chú nguyện không ăn, không ngủ. Rồi Bồ Tát xuất hiện nói với Ngài “ông ráng đào theo hướng tây bắc 8 tấc nữa có một cái hòm thì sẽ thấy nước”. Ngài mừng quá ra khỏi thảo am và tiếp tục đào. Đào được 8 tấc thì y như điềm chiêm bao, mạch nước phun lên tung tóe, nước giếng thơm ngọt và trong vắt. Vị tăng trẻ kia cũng biến mất luôn ngay sau khi có nước. Do đó, người ta đặt tên cho cái giếng này là giếng Phật và lưu truyền câu ca dao: “Ông thầy đào giếng trên non. Đến khi có nước không còn tăm hơi”. Đến năm Vĩnh Thịnh 11 (1716), đời vua Lê Dụ Tông, Tổ đình Thiên Ấn được phong Sắc Tứ Thiên Ấn tự. Và từ đó đến nay, chùa Thiên Ấn có tên là Sắc Tứ Tổ đình Thiên Ấn.
Trong sách 12 thắng cảnh đẹp của Quảng Ngãi, thì Thiên Ấn Niêm Hà được ví là ấn trời niêm trên dòng sông xanh sông Trà. Núi cao 101m so với mặt biển, trên đỉnh bằng phẳng ước rộng gần 5ha, bốn mặt gần như vuông phẳng, giống như một quả ấn kiềm úp sấp nên mới có tên gọi như thế. Núi Thiên Ấn cùng với dòng sông trở thành biểu tượng cho sự vĩnh hằng của vùng đất này. Và tên gọi Thiên Ấn Niêm Hà có tích từ đó.
Đặc biệt, trên đỉnh núi Thiên Ấn, đối diện với ngôi chùa về hướng tây nam là mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Nơi đây, du khách có thể nhìn bao quát được những cảnh đẹp của thành phố Quảng Ngãi từ Cổ Lũy cô thôn, Long Đầu hí thủy, mũi Ba Làng An… Ngắm nhìn cảnh đẹp Thiên Ấn, du khách nghe lòng lâng lâng và tai bỗng nghe tiếng chuông vang từ trên đỉnh cao xuống, âm thanh ngân dài theo dòng Trà Giang, xuôi mấy vạn thủy trình.
Hành hương về đất Phật
Trong những ngày xuân và những ngày rằm, hàng ngàn người từ khắp nơi trong tỉnh đã hành hương về chùa Thiên Ấn để cầu nguyện đầu năm. Chị Nguyễn Thanh Loan người hành hương về chùa Thiên Ấn cảm nhận: Chùa Thiên Ấn được xem là thế đất linh thiêng trong tâm trí bao người dân Quảng Ngãi. Với người dân chúng tôi, ngôi chùa có một sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm, thể hiện qua các giai thoại như giếng Phật, chuông Thần và nhiều câu ca dao sâu nặng nghĩa tình được truyền miệng từ đời này qua đời khác”.
Đặc biệt, vào ngày rằm tháng giêng, đây là rằm đầu năm mới nên lượng người đến bái Phật rất đông. Từng dòng người hành trình về chùa Thiên Ấn. Có lẽ, ai cũng muốn cầu phúc, muốn hướng đến cái đẹp. Không chỉ thế, mọi người còn muốn hòa mình với thiên nhiên thoáng đãng, muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một di tích văn hóa đã có từ rất lâu trong lòng Quảng Ngãi.
Cuộc hành trình ấy đã khơi dậy trong lòng người một tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào và lòng hướng thiện. Nó thể hiện sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, sự thành kính của các bậc cao niên, sự hoan hỷ mà nam phụ lão ấu đều có phần riêng của mình. Trong chùa có lễ dâng hương. Mọi người lễ Phật, nguyện cầu. Ai cũng hướng về một sự thanh cao của chốn tâm linh. Ngày hội dâng hương ở chùa Thiên Ấn thật sự có ý nghĩa, nó thể hiện một bản sắc văn hóa rất phương Đông của dân tộc, một ước mơ về sự yên bình, là sự hòa hợp giữa mơ và thực, là điểm gắn bó tổng hòa giữa con người với thiên nhiên khoáng đạt, trong lành.
Xin mượn lời cảm nhận của chị Võ Thị Hoài Tâm ở phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi để kết bài viết này “Thật tự hào về Thiên Ấn, tự hào về truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc, tự hào về bức tranh sơn thủy hữu tình của quê hương núi Ấn- sông Trà. Chúng ta hãy không ngừng vươn tới cái đẹp, không ngừng phát huy những truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên ta đã bao đời gây dựng. Hãy tích cực làm những điều có ý nghĩa cho cuộc đời và không ngừng bảo vệ cảnh quan tươi đẹp của chùa Thiên Ấn”.
Văn Đạo
Ý kiến bạn đọc